35 NĂM HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA KHOA TRIẾT HỌC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
PGS.TS NGUYỄN THUÝ VÂN
Chủ nhiệm Khoa Triết học
Trường Đại học KHXH&NV
Đại học Quốc gia Hà Nội
I. KHOA TRIẾT HỌC - CHẶNG ĐƯỜNG 35 NĂM
Khoa Triết học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập vào tháng 9 năm 1976 theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và đào tạo).
Việc thành lập Khoa Triết học ngay sau đại thắng mùa xuân năm 1975 là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện rõ nhận thức và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với công tác lý luận và đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận Mác - Lênin cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là lần đầu tiên có đơn vị đào tạo về khoa học Mác - Lênin trong hệ thống giáo dục quốc dân bên cạnh hệ thống các Trường Đảng vốn giữ vai trò này từ năm 1975 trở về trước. Khoa Triết học ra đời đã góp phần mở rộng cơ cấu đào tạo của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - cơ sở đào tạo các khoa học cơ bản lớn nhất cả nước.
Từ Khóa sinh viên đầu tiên với số lượng sinh viên không nhiều cho tới nay khoa Triết học đã và đang đào tạo trên 2000 cử nhân Triết học.
Trong mười năm đầu tiên, thầy và trò của Khoa vừa xây đựng chương trình, vừa giảng dạy và học tập. Vượt lên vô vàn khó khăn, ngay từ đầu Khoa Triết học luôn giữ vững phương châm đào tạo gắn lý luận với thực tiễn, gắn công tác đào tạo với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Từ năm 1988, với sự sát nhập của Bộ môn Mác - Lênin, Khoa Triết học từ chỗ chỉ tập trung cho công tác đào tạo đại học và sau đại học ngành Triết học lại được giao thêm nhiệm vụ giảng dạy các môn khoa học Triết học cho sinh viên các Khoa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cho đến nay đảm nhận việc giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin cho các Khoa của các Trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và các Trường Đại học khác.
Cũng trong 10 năm đầu, các Tổ bộ môn của Khoa triết học đã được xây dựng và lớn mạnh không ngừng.
Năm 1988, Khoa có các bộ môn: Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Lịch sử triết học, Tâm lý học - Giáo dục - Phương pháp, Chủ nghĩa Cộng sản khoa học, Lôgíc học và Tổ Văn phòng - Tư liệu.
Năm học 1990 - 1991 có các bộ môn: Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Lịch sử triết học phương Tây và vô thần khoa học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xã hội học - Đạo đức học, Tâm lý - Giáo dục - Phương pháp, Lịch sử triết học phương Đông và Tư tưởng Việt Nam, Lôgíc học, Tổ Văn phòng - Tư liệu.
Năm 1994, các Bộ môn Xã hội học, Tâm lý - Giáo dục - Phương pháp tách ra khỏi Khoa và đến năm 1998 thì thành lập Khoa Xã hội học, Khoa Tâm lý học.
Đến năm 1995, Khoa có các bộ môn: Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử triết học phương Tây và Lý luận tôn giáo, Lịch sử triết học phương Đông và Tư tưởng Việt Nam, Mỹ học - Đạo đức học, Lôgíc học và Tổ Văn phòng - Tư liệu.
Cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, nhu cầu đào tạo ngày càng nhiều, cùng đó là nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho nên từ buổi đầu chỉ với một ngành đào tạo ở bậc đại học ngành Triết học thì năm 1995, Khoa mở thêm mã ngành đào tạo cử nhân Quản lý xã hội (sau đó bộ môn này phát triển và tách ra thành Khoa riêng vào năm 2002). Cũng năm này, Khoa mở thêm mã đào tạo Thạc sĩ Triết học. Năm 2001 Khoa mở được hệ cử nhân CLC chuyên ngành Triết học và mở thêm mã đào tạo Thạc sĩ Triết học chuyên ngành Tôn giáo học. Đến năm 2005, Khoa mở thêm mã đào tạo Thạc sĩ Triết học chuyên nhành CNXHKH và cho đến năm 2008, Khoa mở thêm mã ngành đào tạo Tiến sĩ ngành Triết học chuyên ngành CNXHKH; dự kiến năm 2010 sẽ mở thêm mã ngành đào tạo Tiến sĩ Tôn giáo học.
Tính đến thời điểm hiện tại (2010) ở lĩnh vực đào tạo sau đại học, Khoa Triết học đang đào tạo 3 mã ngành Thạc sĩ, 2 mã ngành Tiến sĩ và sẽ mở thêm 2 mã ngànhTiến sĩ vào năm 2011 - 2012
Năm 2006 Khoa cùng với Nhà trường bước đầu chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ và năm 2008 hoàn toàn chuyển sang đào tạo theo tín chỉ một cách toàn diện. Đây là khoảng thời gian chuyển đổi nên còn nhiều khó khăn, va vấp nhưng thầy và trò của Khoa Triết học đã luôn nỗ lực vươn lên, vượt khó hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Cùng với công tác xây dựng chương trình đào tạo, công tác xây dựng cán bộ và các bộ môn cũng được củng cố. Hiện nay, Khoa có 6 tổ Bộ môn chuyên môn là :
- Triết học Mác - Lênin
- Lịch sử Triết học
- CNXHKH
- Lôgíc học
- Đạo đức - Mỹ học
- Tôn giáo học
và Tổ Văn phòng - Tư liệu
Từ năm 2001 đến nay Khoa có 7 cán bộ được phong học hàm PGS; 7 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đều đạt loại xuất sắc; 12 cán bộ bảo vệ luận văn Thạc sỹ đạt loại xuất sắc.
Hiện nay, Khoa Triết học có 6 PGS; 13 Tiến sĩ; 12 cán bộ là Thạc sĩ. Dự kiến đến năm 2013 số cán bộ của Khoa có trình độ sau đại học sẽ đạt khoảng 90%.
Năm 2008, Khoa Triết học đã góp phần to lớn trong việc thành lập ra Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo đương đại và trong vài năm tới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thực tiễn xã hội và sự phát triển nội tại của Khoa, Khoa sẽ tiến tới tách và thành lập Bộ môn Lịch sử Triết học phương Tây và Bộ môn Lịch sử triết học phương Đông.
II. CÁC THÀNH TỰU TRONG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA KHOA TRIẾT HỌC
1. Về công tác đào tạo
Từ khi thành lập cho tới nay, các cán bộ, bộ môn trong Khoa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ trẻ và cán bộ kế cận; quản lý giảng dạy và đào tạo chuyên ban; quản lý, tổ chức biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo... Chỉ tính từ năm 1996 cho tới nay, Khoa đã và đang đào tạo cả ở bậc đại học và sau đại học với số lượng sinh viên, học viên bằng hơn 20 năm trước cộng lại, trung bình 1 năm khoảng từ 70 đến 100 sinh viên hệ chính quy và từ 40 đến 70 học viên sau đại học, với số lượng giờ dạy rất lớn. Từ năm 2002 cho tới nay, số giờ dạy của cán bộ Khoa Triết luôn đạt chỉ tiêu giờ dạy chuẩn và vượt giờ. Số giờ dạy trung bình của các cán bộ trong Khoa luôn đạt trên dưới 500 giờ qui đổi/ năm. Riêng năm học 2009- 2020 Khoa Triết học đã đạt 19.800 giờ/năm.
Công tác đào tạo chuyên ban của ngành Triết học được khôi phục từ Khóa 41 đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên đồng thời cũng thúc đẩy đội ngũ cán bộ trong việc biên soạn các chuyên đề, cập nhật hơn những vấn đề nóng hổi của thực tiễn.
Trong hơn 30 năm qua, Khoa đã phấn đấu không ngừng để mở rộng quy mô, cơ cấu đào tạo. Từ 61 sinh viên Khóa 1 cho đến nay Khoa đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo 31 khóa sinh viên hệ chính quy với 2110 sinh viên và 2 khóa sinh viên tại chức với 1026 sinh viên (cả ngành Triết và Quản lý xã hội); 15 khóa cao học (trong tổng số 17 khóa) với 351 học viên cao học đã bảo vệ luận văn; 46 NCS đã bảo vệ thành công luận án.
Từ năm 2002 đến nay Khoa Triết học đã đào tạo được 800 cử nhân Triết học Chính quy gồm hai hệ chuẩn và Chất lượng cao; 927 cử nhân Triết học không chính quy gồm hai ngành Tôn giáo học và QLXH; 281 học viên chuyển đổi; 322 học viên cao học và 18 NCS đã bảo vệ thành công luận án, luận văn của mình.
Hiện nay, Khoa Triết học đang đào tạo 325 sinh viên chính quy thuộc hai hệ đào tạo là hệ chuẩn và hệ chất lượng cao; có 132 sinh viên hệ không chính quy theo học (2 khóa ngành Tôn giáo học); 210 học viên cao học và 46 NCS đang theo học tại Khoa.
* Đầu vào tuyển sinh: Thực hiện theo quy định chung của Bộ Giáo dục và đào tạo, Khoa tuyển sinh từ khối C, D và từ năm 2010 tuyển sinh thêm Khối A.
Sinh viên học tại Khoa, bên cạnh một số em còn dao động, không thực sự hăng say, yêu thích Triết học thì không ít những sinh viên học tập giỏi, thực sự say mê triết học và đạt những thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học. Có những em ra trường với bằng tốt nghiệp xuất sắc và được giữ lại Trường công tác, nhiều sinh viên ra trường được công tác tại các cơ quan nghiên cứu có uy tín và các trường Đại học lớn tại Hà Nội. Hầu hết các sinh viên ra trường đều có việc làm tại khắp các tỉnh thành trong cả nước ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó chứng tỏ Triết học thực tế là một ngành học có tính thực tiễn rất cao, nếu thực sự đam mê và có năng lực các em sinh viên hoàn toàn có thể đem kiến thức của mình áp dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của xã hội.
* Chương trình đào tạo:
Từ năm 2006 về trước Khoa thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế với 211 đơn vị học trình, với các môn học thuộc các khối kiến thức sau:
- Khối kiến thức chung bắt buộc
- Khối kiến thức cơ bản chung của nhóm ngành
- Khối kiến thức cơ bản của ngành (bao gồm phần bắt buộc và tự chọn)
- Khối kiến thức cơ sở cốt lõi của ngành
- Khối kiến thức cơ sở của ngành
- Khối kiến thức cơ sở của nhóm chuyên ngành
- Khối kiến thức chuyên ngành
- Khối kiến thức thực tập, thực tế
- Khóa luận, thi tốt nghiệp.
Từ năm 2008 tới nay, cùng với quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo của Nhà trường, Khoa Triết học chuyển đổi sang phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo tín chỉ với khung chương trình mới.
Trong thời gian này, phương thức đào tạo theo tín chỉ mới chỉ bước đầu được thực hiện cho nên còn nhiều khiếm khuyết vì thế khung chương trình không ngừng được cập nhật, sửa đổi, bổ sung và xây dựng. Cho đến nay, Khung chương trình đào tạo cử nhân ngành Triết học gồm các khối kiến thức sau:
- Khối kiến thức chung
- Khối kiến thức toán và Khoa học tự nhiên
- Khối kiến thức cơ bản
- Khối kiến thức cơ sở
- Khối kiến thức chuyên ngành
- Khối kiến thức nghiệp vụ
- Khối kiến thức thực tập và tốt nghiệp.
Tổng số tín chỉ của hệ chuẩn là 138 tín chỉ và 155 tín chỉ với hệ chất lượng cao.
Các giảng viên liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, làm đề cương bài giảng, viết chuyên đề, sọan giáo trình điện tử để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Sinh viên phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô giáo. Các buổi thảo luận được tổ chức thường xuyên hơn, sôi nổi hơn và đạt hiệu quả cao hơn.
Khoa thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học nhằm gợi mở, hướng dẫn, giúp cho sinh viên có những bước đi ban đầu đúng đắn trong quá trình học tập và NCKH.
2. Về giáo trình, bài giảng và NCKH
Là một trong những khoa có truyền thống về đào tạo và nghiên cứu khoa học lâu năm ở Trường ĐHKHXH&NV, Khoa Triết học luôn đạt được những thành tích đáng kể trong lĩnh vực này:
* Giáo trình, đề cương bài giảng
- Từ năm 1976 - 1995: có 14 đề cương, bài giảng, giáo trình, sách tham khảo do cán bộ Khoa đã và đang biên soạn (chủ trì) và 16 đề cương, bài giảng... tham gia biên soạn
- Từ năm 1996 - 2001: có 13 đề cương, bài giảng, giáo trình, sách tham khảo do cán bộ Khoa đã và đang biên soạn (chu trì) và 21 đề cương, bài giảng...tham gia biên soạn.
- Từ năm 2006 - nay có 9 giáo trình, bài giảng đưa vào giảng dạy. Cán bộ của Khoa đã viết và xuất bản khoảng 30 đầu sách tham khảo (trong đó có 4 đầu sách xuất bản ở CHLB Đức); đã chủ trì, tham gia 18 đề tài NCKH cấp Trường, 25 đề tài cấp ĐHQG, 1 đề tài trọng điểm, 1 đề tài cấp Nhà nước; 350 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí và trong Hội thảo chuyên ngành.
- Riêng năm học 2009 - 2010 đã có 5 giáo trình được biên soạn và nghiệm thu.
* Nghiên cứu Khoa học sinh viên
Hàng năm Khoa đều tổ chức Nghiên cứu Khoa học sinh viên thường kỳ một năm một lần. Số đề tài NCKH của sinh viên từ năm 1991 đến 1995 là 163; từ năm 1996 - 2001 là: 345; Riêng năm 2009 - 2010 có 47 báo cáo với 76 sinh viên tham gia viết báo cáo
Từ 2005 - 2010, Khoa Triết học được đánh giá là một trong những khoa có hoạt động NCKH sinh viên có hiệu quả, Khoa liên tục đoạt giải nhì tập thể của Nhà trường trong các năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009 và giải ba năm 2010.
Về cá nhân: hàng năm có 1 giải nhất, 1 đến 2 giải nhì và 2 đến 3 giải ba cấp Trường; 1 giải nhất, 1- 2 giải nhì, 2 đến 3 giải ba cấp Khoa; và có từ 12 đến 20 sinh viên đạt giải khuyến khích.
Điều này chứng tỏ các em sinh viên thực sự có hứng thú và say mê với Triết học và Nghiên cứu Triết học.
Những thành tích trên vừa là thành quả lao động từ sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân các em đồng thời đó cũng là thành quả của quá trình đào tạo của Khoa và Nhà trường với bao công sức, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Khoa.
* Hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản kỷ yếu
Mạnh trong giảng dạy và say mê trong nghiên cứu, Khoa Triết học không những đã đạt được những thành tích lớn lao trong công tác đào tạo và NCKH, mà còn tổ chức được nhiều Hội thảo khoa học gây được tiếng vang trong và ngoài nước. Cụ thể:
1. Tổ chức Olympíc triết học nhân ngày Triết học thế giới dành cho sinh viên các khoa triết các trường ĐH KHXH&NV, Phân viện báo chí tuyên truyền, ĐH Sư phạm năm 2004, do UNESCO tài trợ.
2. Tổ chức Olympíc triết học nhân ngày triết học thế giới dành cho sinh viên các Khoa Triết các Trường ĐH KHXH&NV, Phân viện báo chí tuyên truyền, ĐH Sư phạm năm 2005, do UNESCO tài trợ.
3. Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Triết học cổ điển Đức: nhận thức luận và đạo đức học”do Quỹ trao đổi Hàn Lâm Đức (DAAD) tài trợ năm 2006.
4. Tổ chức nhiều tọa đàm khoa học của các Bộ môn Lịch sử triết học, Lôgic, triết học Mác – Lênin, CNXHKH, Mỹ học và Đạo đức học, Tôn giáo học vào năm 2005 và 2006.
5. Tổ chức Hội thảo quốc tế “Tư tưởng triết học Việt Nam trong bối cảnh du nhập các tư tưởng Đông Tây nửa đầu thế kỷ XX”năm 2005 và xuất bản kỷ yếu Hội thảo quốc tế này năm 2006.
6. Tổ chức Hội thảo quốc tế “Một số vấn đề triết học phương Tây thế kỷ XX”năm 2006 và xuất bản kỷ yếu Hội thảo quốc tế năm 2007 dưới sự tài trợ của Quỹ trao đổi Hàn Lâm Đức (DAAD).
7. Tổ chức Hội thảo quốc tế “Trần Đức Thảo: con người và di sản”năm 2007, nhân dịp 90 năm ngày sinh của GS. Trần Đức Thảo.
8. Cùng với Nhà trường, năm 2007, tổ chức hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nga: quá khứ và triển vọng”nhân dịp 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, trong đó Khoa Triết phụ trách riêng tiểu ban Hội thảo “Triết học Xôviết và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam”.
9. Tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy triết học trong bối cảnh hội nhập hiện nay”năm 2008.
10. Năm 2009 Tổ chức Hội thảo KH cấp Khoa: “Đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay: những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đã có hơn 39 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài Trường được gửi tới và được đưa vào kỷ yếu Hội thảo. Cuộc hội thảo đã được tổ chức thành công, thu hút được sự quan tâm của giới học thuật.
Các hoạt động khoa học trên đã được đánh giá cao trong Giới triết học trong và ngoài nước, nâng cao uy tín của Khoa và Trường ở trong và ngoài nước.
III. HỢP TÁC QUỐC TẾ
- Cho đến nay Khoa Triết học đã có quan hệ với hơn 20 các đối tác quốc tế như Trường Đại học Passau, Đại học Humbolt, Viện Nghiên cứu truyền giáo Aachen (CHLB Đức), Trường Đại học Phụ nhân (có thỏa thuận hợp tác), Đại học QG Đài Bắc, Viện Xã hội mở (Đài Loan), Đại học Toulouse, Đại học Paris VII, Đại học Paris VIII (Cộng hòa Pháp), Đại học tổng hợp Lômônôxốp, Viện Hàn Lâm KH Nga (CHLB Nga), Trường ĐH Bắc Kinh, Trường ĐH KH và Kỹ thuật Hoa Trung (CHND Trung Hoa), Trường Đại học Comlumbia, Hội đồng NC Triết học và Giá trị, Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam, ĐH Temple (Mỹ), Đại học Gadja Mada, Yogyakarta (Indonesia), Liên đoàn các Hiệp hội triết học thế giới (FISP), Quỹ trao đổi Hàn lâm Đức DAAD, UNESCO, v.v..
Trong số này, đã có thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Passau, CHLB Đức, Trường Đại học Phụ nhân (Đài Bắc), có bản ghi nhớ thỏa thuận với Khoa Triết học, Đại học Gadja Mada, Yogyakarta (Indonesia). Hiện chuẩn bị bị ký thoản thuận hợp tác với Khoa Triết học ĐH Paris VIII.
- Khoa đã nhận tài trợ của DAAD, Viện Xã hội mở, UNESCO để tổ chức Hội thảo QT, xuất bản kỷ yếu, tổ chức Opympíc triết học.
- Các Khoa đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu tôn giáo đương đại và các hoạt động KH của Trung tâm này.
- Từ năm 2005 đến nay, Khoa đã mời hàng chục giảng viên các nước Hoa kỳ, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đài loan, Ấn Độ, v.v. đến giảng các chuyên đề triết học cho cán bộ, sinh viên, HVCH, NCS Khoa Triết. Có những môn học chuyên đề do học giả quốc tế đảm nhiệm.
- Riêng năm học 2009 - 2010, Khoa đã đón tiếp các khách từ Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc, Pháp. Tổ chức đón tiếp và làm việc với Khoa Triết học của Đại học Paris 8, Đại học Sogang, Hàn Quốc; Viện chính sách quốc tế , Hoa Kỳ, Khoa Triết học của Trường Đai học Gadjah Mada, thành phố Yogyakarta, Indonesia.
IV. VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Hiện tại Khoa Triết học có 1 phòng Tư liệu với nhiều đầu sách báo, tài liệu tham khảo. Tuy còn nhiều khó khăn và hạn chế nhưng trong mấy năm gần đây do có nguồn hỗ trợ của Nhà trường để mua sách cho nên số đầu sách ở Khoa được bổ sung thêm rất nhiều. Hàng năm Khoa còn bổ sung, cập nhật thêm các tài liệu mới, các luận văn, luận án.. phục vụ cho sinh viên và cán bộ học tập và nghiên cứu.
Tuy nhiên, để đáp ứng được với thực tiễn đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhu cầu học tập của sinh viên, trong những năm tới bộ phận tư liệu cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa, bản thân bộ phận tư liệu cũng cần có sự cải tiến, đổi mới để việc khai thác tư liệu của sinh viên và giáo viên đạt hiệu quả cao hơn.
Các cơ sở vật chất khác của Khoa cũng được quan tâm, sửa chữa, làm mới hàng năm nhằm phục vụ cho công tác quản lý và đào tạo. Nhà trường có trang bị máy vi tính cho các Bộ môn, lắp đặt hệ thống mạng Wife nhằm phục vụ cho việc tra cứu, tìm tài liệu có hiệu quả hơn.
V. QUÁ TRÌNH KHEN THƯỞNG
Với những đóng góp của Khoa Triết học năm 1997, Nhà nước đã trao tặng cho khoa Huân chương Lao động hạng ba. Đội ngũ cán bộ của Khoa cũng nhận được nhiều phần thưởng cao quý.
Năm 2001, Khoa Triết học được tặng Huân chương lao động hạng nhì (theo quyết định số 864/2001/QĐ-CTN, ngày 7 tháng 11năm 2001). Từ đó tới nay, Khoa Triết học luôn đạt những thành tích vượt bậc và luôn được khen thưởng là Tập thể lao động xuất sắc liên tục vào các năm: 2003 ; 2004; 2005 ) 2006; 2007; 2008; 2009;
Năm 2005, Khoa còn được tặng Bằng khen của ĐHQG được tặng Giấy khen của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2007.
Năm 2002, 3 cán bộ của Khoa được công nhận là cán bộ daỵ giỏi cấp ĐHQG, 1 CSTĐ cấp Trường, 4 cán bộ và 3 bộ môn được tặng Bằng khen ĐHQG ; 3 cán bộ được tặng Bằng khen của Chính phủ; Khoa và 4 bộ môn được công nhận tập thể lao động giỏi
Năm 2003 2 bộ môn được tặng Bằng khen ĐHQG; 1CSTĐ cấp trường;4 cán bộ được tặng Giấy khen của Hiệu trưởng.
Năm 2004 có 3 bộ môn, 4 cá nhân được tặng Bằng khen của ĐHQG
Năm 2006 có 4 cá nhân đạt CSTĐ cấp trường; 4 cá nhân đạt CSTĐ cấp ĐHQG, 1 Giấy khen của hiệu trưởng; 3 BKĐHQG, 1Huân chương Lao động hạng 3; 9 cá nhân được tặng “Kỷ niệm chượng vì sự phát triển của ĐHQG”
Năm 2007 có 4 CSTĐ cấp trường; 2 CSTĐ cấp ĐHQG; 1 Giấy khen của Hiệu Trưởng,1 Bằng khen của ĐHQG cho cá nhân, và 1 cho bộ môn Triết học Mác -Lênin; 1 bộ môn được tặng Cờ thi đua.
Năm 2008 có 9 CSTĐ cấp trường, 1 CSTĐ cấp ĐHQG, 1 Giấy khen của Hiệu trưởng ; Khoa và một Bộ môn được tặng Bằng khen của ĐHQG.
Năm 2009 có 4 CTSĐ cấp trường , 3 Giấy khen của Hiệu trưởng, 2 Huân chương Lao động hạng 3; 4 bằng khen của ĐHQG cho cá nhân; 1 Bằng khen của Chính phủ cho Khoa Triết ;1 BKĐHQG cho bộ môn CNXKH.
VI. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA TRIẾT HỌC TRONG NHỮNG NĂM TỚI
1. Đội ngũ cán bộ
Là một trong những khoa lớn của nhà trường, với số lượng và thời lượng các môn học chung được dạy trong toàn trường lớn nhất, khoa Triết học cần được đầu tư để bổ sung chỉ tiêu biên chế cũng như nâng cao trình độ của các giáo viên trong khoa. Dự kiến đến năm 2015 số lượng cán bộ trong khoa là 50 người (hiện giờ đang là 37 người), trong đó có 3 cán bộ cho bộ phận văn phòng, tư liệu, 47 cán bộ cho 8 bộ môn và 1 trung tâm thuộc khoa. Đến năm 2020, số lượng cán bộ cần đạt được là 60 cán bộ.
Đến năm 2015, dự kiến số cán bộ đạt trình độ PGS là 12 người; đạt trình độ tiến sĩ là 16 người, còn lại là thạc sĩ và các cử nhân tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc.
Đến năm 2020, phấn đấu có 2 GS, 16 PGS, số cán bộ có học vị tiến sĩ chiếm khoảng 65 % số cán bộ giảng dạy trong khoa.
Từ nay đến năm 2015, khoa dự kiến sẽ tạo điều kiện, khuyến khích và liên hệ bằng nhiều con đường khác nhau để các cán bộ trẻ có điều kiện đi học tập ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ khả năng sử dụng ngoại ngữ.
2. Cơ cấu các ngành / chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu trong đơn vị
a. Hệ đào tạo đại học
- Dự kiến vào năm 2012 mở thêm ngành kép triết học - kinh tế, năm 2013 mở thêm ngành Tôn giáo học và năm 2018 mở thêm ngành Mỹ học.
- Các chuyên ngành đào tạo sẽ được mở rộng tương ứng với các ngành mới.
b. Hệ đào tạo sau đại học
- Dự kiến năm 2011 mở thêm 1 mã ngành mới và bậc đào tạo cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đó là mã ngành Lịch sử triết học bậc tiến sĩ; Bậc đào tạo tiến sĩ ở ngành Tôn giáo học.
- Năm 2015 mở thêm mã ngành Lôgíc học, bậc đào tạo tiến sĩ.
- Năm 2018 mở thêm mã ngành Đạo đức - Mỹ học bậc đào tạo tiến sĩ.
3. Định hướng nghiên cứu chính của Khoa Triết học
Đây là định hướng chung đối với các đề tài nghiên cứu các cấp của giảng viên, các đề tài luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp, niên luận và nghiên cứu khoa học sinh viên. Đồng thời, đây cũng là định hướng đối với các giáo trình, bài giảng, các sách công cụ phục vụ đào tạo đại học và sau đại học của Khoa.
3.1. Triết học lí luận nền tảng
- Cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm kinh điển của lịch sử triết học phương Đông, phương Tây, của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.
- Biên soạn bộ từ điển triết học.
- Biên soạn hệ thống các giáo trình, bài giảng cho đào tạo đại học và sau đại học, đặc biệt là bộ giáo trình lịch sử triết học nhiều tập.
- Xuất bản sách chuyên khảo, sách tham khảo về triết học.
3.2. Triết học thực tiễn
Triết học chính trị:
- Nghiên cứu lí luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỉ XXI;
- Vấn đề nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay;
- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta, v.v.
Triết học xã hội:
- Những vấn đề về xã hội dân sự ở Việt Nam;
- Phân hoá và phân tầng xã hội ở Việt Nam;
- Những động lực phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay,
- Triết lí phát triển của Việt Nam;
- Những vấn đề hiện đại hoá xã hội Việt Nam;
- Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực;
- Xây dựng nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong thế kỉ XXI;
- Những vấn đề triết học của xu hướng phát triển kinh tế tri thức;
- Những vấn đề triết học về công bằng xã hội và trách nhiệm xã hội hiện nay, v.v..
Triết học giáo dục:
- Triết lí giáo dục và những vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay;
- Những nền tảng của triết học giáo dục: lịch sử và hiện đại;
- Những vấn đề triết học về cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Triết học đạo đức và mỹ học:
- Những quan niệm đạo đức học phương Tây hiện đại và tác động của chúng ở Việt Nam;
- Những vấn đề đạo đức và lối sống ở Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn triết học;
- Những vấn đề của đạo đức nghề nghiệp, đạo đức môi trường và đạo đức kinh doanh ở Việt Nam;
- Định hướng giáo dục thẩm mĩ ở Việt Nam hiện nay.
Triết học tôn giáo:
- Những tôn giáo lớn ở Việt Nam hiện nay;
- Những vấn đề và những hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay dưới giác độ triết học;
- Tôn giáo và văn hoá dưới góc nhìn triết học;
- Quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong bối cảnh Việt Nam và quốc tế;
- Chính sách tôn giáo của Việt Nam: Lịch sử và hiện tại.
3.3. Triết học hội nhập
· Toàn cầu hoá và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay;
· Những đặc điểm và xu hướng phát triển của thế giới trong những thập niên đầu thế kỉ XXI;
· Những xu hướng phát triển của triết học đương đại;
· Triết học so sánh Đông – Tây;
· Triết học liên văn hoá; triết học châu Á;
· Triết học Đông Nam Á;
· Sự phát triển văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thế kỉ XXI;
· Những vấn đề triết học của khoa học tự nhiên hiện đại
3.4. Triết học Việt Nam
· Những vấn đề của quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam qua các thời kì, đặc biệt thế kỉ XIX-XX;
· Thông dung tam giáo ở Việt Nam ;
· Vấn đề thông dung tiếp biến trong tư tưởng triết học Việt Nam ;
· Lịch sử triết học Việt Nam ;
· Triết học Mác ở Việt Nam : sự du nhập, tiếp biến và phát triển.
4. Hợp tác quốc tế
Trong năm tới, ngoài việc tiếp tục các mối quan hệ vốn có với các đối tác nước ngoài, Khoa Triết học sẽ thực hiện việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế khác như sau:
- Cùng với Nhà trường, thực hiện việc ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Paris 8, Cộng hòa Pháp trên lĩnh vực triết học; đồng thời thực hiện các cam kết hợp tác giữa Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Khoa Triết học, Đại học Pasis 8 như tổ chức Hội thảo quốc tế chung ngay từ năm 2010, tổ chức các khóa học chuyên đề khoảng 1-2 tuần do các giáo sư Pháp thuyết trình tại Trường Đại học KHXH&NV theo yêu cầu của Khoa và Trường ĐH KHXH&NV, v.v..
-Mở rộng thêm quan hệ hợp tác khoa học với một số Trường Đại học và cơ quan nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật bản, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v.
- Thành lập Trung tâm Nghiên cứu và giao lưu tư tưởng Triết học Đông – Tây trên cơ sở hợp tác với Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam tại Trường Đại học Temple, Hoa Kỳ và trên cơ sở tài trợ quốc tế, từ đó thành lập các dự án nghiên cứu chung và dự án đào tạo đại học và sau đại học cấp bằng quốc tế, trong đó có các dự án về tư tưởng triết học, đạo đức học, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam, tư tưởng triết học châu Á, tư tưởng triết học phương Tây trong bối cảnh thế giới đương đại.
- Xây dựng dự án Quốc gia Triết học giáo dục và chiến lược giáo dục Việt Nam thế kỷ XXI với sự hợp tác của các học giả Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, v.v..
VI. KẾT LUẬN
Nhìn lại quãng đường đã qua, thầy và trò Khoa Triết học rất đỗi tự hào về những thành quả mà mình đã đạt được trong sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Toàn thể cán bộ trong Khoa luôn nhất trí một lòng hướng về một mục tiêu chung đó là phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, nâng cao hiệu quả trong mọi hoạt động của Khoa, tạo ra một sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, hướng tới mục tiêu đào tạo cán bộ Triết học có phẩm chất đạo đức tốt; lập trường chính trị vững vàng; có tri thức hiện đại về các khoa học triết học và tri thức cơ bản của các khoa học bổ trợ khác; có năng lực tư duy lý luận; có phương pháp nghiên cứu, phương pháp sự phạm, năng lực công tác xã hội tốt; có trình độ ngoại ngữ tin học tốt; chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, nhiều tâm huyết Khoa Triết học đã đào tạo ra các thế hệ cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Triết học chất lượng cao, không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; hợp tác với các Trường các viện, các cơ quan Nghiên cứu trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học trong cán bộ giáo viên và sinh viên.
Gần 35 năm trôi qua, với chức năng, nhiệm vụ là đào tạo cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Triết học, giảng dạy và Nghiên cứu Khoa học, Khoa Triết học đã phát triển và không ngừng lớn mạnh. Đó là khoảng thời gian khởi nghiệp và trưởng thành của một đơn vị đào tạo từ công sức, trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên yêu mến khoa học Triết học, gắn bó với sự nghiệp đào tạo, Nghiên cứu khoa học và của các thế hệ sinh viên luôn nỗ lực vươn lên lĩnh hội tri thức khoa học, rèn luyện đạo đức cách mạng, tu dưỡng phẩm chất chính trị, trở thành những cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ quản lý hay tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan khác để góp phần xây dựng đất nước, làm rạng rỡ thêm truyền thống của Khoa và Nhà trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét